Trợ lý ảo nhà thông minh: Quản gia ảo thời đại chuyển đổi số

Các ước tính từ Statista cho thấy đến năm 2023, trên thế giới sẽ cán mốc khoảng 8 tỷ đơn vị trợ lý ảo được sử dụng, tương đương với lượng dân số toàn cầu. Vào năm 2019, con số này mới chỉ xấp xỉ 2,45 tỷ, chứng tỏ rằng địa hạt trợ lý ảo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới. Đặc biệt, trợ lý ảo nhà thông minh ngày một trở thành công cụ đắc lực, được xem là “quản gia ảo” giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cập nhật nhất về xu hướng công nghệ tiềm năng này.

Khái niệm và vai trò của trợ lý ảo nhà thông minh

Trợ lý ảo (Virtual Assistant) là phần mềm kỹ thuật số được lập trình dựa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo AI, có khả năng hiểu các lệnh thoại từ giọng nói của người dùng và theo đó thực hiện nhiệm vụ được giao như nhắn tin, gọi điện, đặt lịch hẹn, xem thông tin thời tiết, chỉ dẫn đường, bật/tắt điện, đóng/mở rèm, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa,… 

Nhà thông minh là một ngôi nhà được “tự động hóa”, người dùng không phải tự mình điều chỉnh các thiết bị điện tử và công nghệ bằng tay, mà chỉ cần ra lệnh cho trợ lý ảo thực hiện các tác vụ “rảnh tay” thông qua giọng nói và câu lệnh. 

Từ hai định nghĩa trên, có thể hiểu trợ lý ảo nhà thông minh là trợ lý ảo tích hợp với ngôi nhà thông minh có kết nối Internet, từ đó liên kết và quản lý hệ thống thiết bị IoT (Internet of Things – các thiết bị có khả năng kết nối Internet) trong nhà nhằm thực hiện các yêu cầu điều khiển khác nhau theo mong muốn của gia chủ. Nói cách khác, trợ lý ảo nhà thông minh là phương thức đặc biệt hỗ trợ người dùng vận hành ngôi nhà của mình một cách “rảnh tay”.

Với những bước tiến xa của công nghệ giọng nói hiện nay, trợ lý ảo nhà thông minh còn giúp phân tích dữ liệu và gửi thông tin từ xa đến điện thoại thông minh của gia chủ, hoặc đảm bảo an toàn bằng việc thực hiện báo động cũng như cuộc gọi khẩn cấp khi trong nhà xảy ra sự cố. 

Chức năng chính của trợ lý ảo nhà thông minh

Điều khiển tự động bằng giọng nói

Sau khi đánh thức trợ lý ảo bằng wake-up word (tạm dịch: câu lệnh khởi động) như Hey Vinhomes (đối với Trợ lý ảo Vinhomes), OK Google (đối với Google Assistant),… người dùng có thể bắt đầu sử dụng lời nói và cú pháp đơn giản để ra lệnh cho trợ lý ảo nhà thông minh. 

Trợ lý ảo sẽ lắng nghe câu lệnh và xử lý tín hiệu đầu vào này thông qua công nghệ tự động nhận dạng tiếng nói ASR và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để hiểu được và thực hiện yêu cầu của người dùng.

Đưa ra câu trả lời cho câu hỏi từ phía người dùng

Những câu hỏi mà người dùng thường đưa ra như thông tin thời gian, thời tiết, tin tức hay giá cả thị trường đều sẽ được trợ lý ảo nhà thông minh giải đáp một cách nhanh chóng và tường tận. 

Bên cạnh đó, các tác vụ trong vận hành ngôi nhà như bật/tắt điện, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa/máy sưởi, đóng/mở rèm, bật/tắt bình nước nóng, mở tivi,… đều có thể được trợ lý nhà thông minh thực hiện ngay khi nhận lệnh thoại từ người dùng.

Ngoài ra, trợ lý nhà thông minh còn thể hiện tính ưu việt và đa năng qua các tính năng liên quan đến khu dân cư như đọc bản tin dân cư, đặt lịch bể bơi trong tòa nhà, đặt chỗ sân bóng hay dịch vụ câu cá tiện ích trong khu vực sống,… Tất cả được thực hiện chỉ qua hội thoại tự nhiên giữa người và máy, với kết quả trả về chỉ trong tích tắc.

Thực hiện gọi điện và gửi tin nhắn “rảnh tay”

Chẳng cần đến bàn phím hay cú chạm trên điện thoại để gọi điện hay nhắn tin, giờ đây trợ lý ảo nhà thông minh được tích hợp trong các loa thông minh cho phép người dùng kết nối với mọi người thông qua các cuộc gọi và tin nhắn “rảnh tay” tiện lợi và nhanh chóng.

Dù gia chủ đang ở vị trí nào trong căn nhà thì cũng chỉ cần gọi trợ lý ảo bằng wake-up word, và ra lệnh thực hiện gọi điện/nhắn tin. Khi này, loa thông minh tích hợp trong ngôi nhà sẽ là mic thu âm, đồng thời cũng là loa giúp phát tiếng của người ở đầu dây bên kia. 

Thúc đẩy giải pháp tự động hóa và liên kết các thiết bị

Nhờ có trợ lý ảo cùng hệ thống các thiết bị IoT, mọi thứ đều được tự động hóa và phối hợp nhịp nhàng để hoạt động theo đúng nhu cầu và ý định người dùng. 

Chẳng hạn, cảm biến cháy trong phòng bếp nhận biết nhiệt độ trong khu vực bếp tăng cao bất thường, sẽ truyền tin hiệu báo thông tin này về trợ lý ảo nhà thông minh. Lúc này, trợ lý ảo có nhiệm vụ phân tích dữ liệu, báo thông tin về điện thoại của người dùng và gợi ý cho người dùng một số cách xử lý. Trong trường hợp khẩn cấp, trợ lý ảo sẽ điều khiển mở còi báo cháy hoặc kích hoạt phun nước tự động.

Có thể thấy, các thiết bị trong nhà thông minh được liên kết với nhau, tạo thành một mạng lưới thông minh giúp gia chủ giảm thiểu rủi ro về con người và tài sản. 

Một số lưu ý khi sử dụng trợ lý ảo nhà thông minh

Đảm bảo mạng Internet và nguồn điện trong nhà luôn ổn định

Thể hiện ngay từ cái tên của mình, các thiết bị thông minh IoT trong nhà thông minh luôn cần nguồn điện và mạng Internet ổn định để tối ưu hóa quá trình vận hành, mang đến trải nghiệm liền mạch và chính xác cho người sử dụng. 

Ngoài ra, quá trình các lệnh và tín hiệu giọng nói của người dùng được trợ lý ảo gửi tín hiệu về máy chủ và cloud lưu trữ cũng yêu cầu kết nối mạng ổn định để đảm bảo không bị gián đoạn và thời gian xử lý, truyền tin nhanh chóng.

Chính vì vậy, khi sử dụng trợ lý ảo cho nhà thông minh, người dùng cần đặc biệt lưu ý về sự ổn định của mạng Internet cũng như nguồn điện trong nhà để có thể duy trì hệ thống hoạt động hiệu quả.

Vấn đề bảo mật của người dùng

Bảo mật cũng là một trong những mối quan tâm của không ít người khi lựa chọn sử dụng trợ lý ảo cho nhà thông minh, đặc biệt là với các thiết bị có khả năng thu âm và ghi hình như loa thông minh, camera,… 

Để tránh được những mối lo ngại này, người dùng nên cân nhắc chọn lựa các nền tảng trợ lý ảo cùng hệ thống thiết bị thông minh uy tín và được đánh giá tốt để đưa vào sử dụng. 

Dĩ nhiên, trợ lý ảo nhà thông minh cùng các thiết bị IoT sẽ cần thu thập thông tin và lưu trữ dữ liệu trong máy chủ nhằm xử lý và “học tập” để hiểu được thói quen người sử dụng. Tuy nhiên, mục đích chính của tính năng này là nhằm phân tích hành vi để trợ lý ảo có thể đưa ra các đề xuất và thực hiện nhiệm vụ với độ chính xác cao hơn, từ đó cải thiện trải nghiệm người dùng.

Ngôn ngữ giao tiếp với trợ lý ảo nhà thông minh

Trên thị trường, hầu hết các trợ lý ảo sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, đôi khi gây ra trở ngại trong các vấn đề về cài đặt và hiệu chỉnh công cụ này. Đây cũng chính là một vấn đề lớn cho người dùng tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Để giải quyết thách thức này, nền tảng VinBase đã phát triển Trợ lý ảo toàn diện ViVi với khả năng nhận diện tiếng Việt chính xác lên tới hơn 98% với nhóm từ phổ thông. Được xây dựng từ hàng chục nghìn giờ dữ liệu bởi đội ngũ kỹ sư có chuyên môn vững vàng và dày dặn kinh nghiệm, Vivi sở hữu khả năng nhận diện tiếng Việt chính xác cao có thể hiểu câu lệnh và đàm thoại tự nhiên với nhiều giọng vùng miền khác nhau của người Việt.

Đặc biệt, VinBase đã thành công tích hợp ViVi trở thành Trợ lý ảo cho nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp ô tô khi trở thành Trợ lý ảo trên những chiếc ô tô điện đâu tiên tại Việt Nam VinFast VF e34, VF 8 và VF 9, du lịch – khách sạn, ngân hàng, và đặc biệt là nhà thông minh, hỗ trợ người dùng giao tiếp với trợ lý ảo bằng giọng nói tiếng Việt một cách đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng.

Trợ lý ảo nhà thông minh dành riêng cho người Việt hiện nay

Trong tháng 7/2022, tính năng Trợ lý ảo Vinhomes phát triển từ Trợ lý ảo ViVi thuộc nền tảng VinBase đã được ra mắt thông qua ứng dụng Vinhomes Resident và website Vinhomes Online, được kỳ vọng sẽ mang đến cho cư dân và khách hàng của Vinhomes những trải nghiệm sống tiện nghi và đẳng cấp.

Trợ lý ảo Vinhomes được xem như một “quản gia ảo”, hỗ trợ cư dân truy xuất thông tin một cách nhanh chóng với 12 nhóm tính năng (Dịch vụ tiện ích, Tra cứu hoá đơn, Tìm hiểu thời tiết khu vực đang sống, Đặt/huỷ lịch sử dụng các tiện ích công cộng, Đọc tin tức trên bản tin cư dân,…) thông qua câu lệnh “Hey Vinhomes!” kèm với thông tin tìm kiếm.

Bên cạnh khả năng hỗ trợ cư dân truy xuất thông tin nhanh chóng và chính xác, Trợ lý ảo còn sở hữu khả năng tự học với mục đích thấu hiểu thói quen và nhu cầu của gia chủ và mang đến những đề xuất, gợi ý được cá nhân hóa, đồng thời cải thiện tính chính xác và tốc độ phản hồi. Đây chính là một bước tiến mới trong hành trình kiến tạo hệ sinh thái sản phẩm – dịch vụ “Công nghệ Việt – Vì tương lai Việt” của VinBigData.

 

Bài viết liên quan

Kịch bản chatbot hiệu quả mà doanh nghiệp cần biết

Chatbot có thể hiểu là một người máy - một chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác và trò chuyện…

Tổng đài ảo cho doanh nghiệp hỗ trợ quản lý khách hàng

Ngày nay, tổng đài ảo cho doanh nghiệp được coi là hình mẫu đại diện cho quy trình quản lí quan hệ khách hàng tương…

Trợ lý ảo ô tô: Lợi ích khách hàng, cơ hội doanh nghiệp

“Không chạm” là từ khóa “nóng sốt” được tất cả các ngành chú trọng trong thời gian vừa qua, ngành ô tô cũng không nằm…

Chuyển đổi số toàn diện với
VinBase.ai
Cảm ơn. Tin nhắn của bạn đã được gửi đi.
Đã xảy ra lỗi. Vui lòng kiểm tra và thử lại.